THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Công văn số: 04 /HĐPBGPL ngày 31 tháng 3 năm 2025)
I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
1. Thông tư số 20/2025/TT-BCA của Bộ Công an ban hành quy định về xét tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Thông tư quy định về nguyên tắc, đối tượng, tiêu chuẩn, hồ sơ, tuyến trình đề nghị xét tặng và trao tặng Kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Việc xét tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc" phải bảo đảm nguyên tắc: Kỷ niệm chương chỉ tặng một lần cho cá nhân. Không tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân đã được tặng Huy chương "Chiến sĩ vẻ vang", Huy chương "Vì an ninh Tổ quốc" hoặc Huân chương về quá trình cống hiến trong Công an nhân dân. Không tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân bị tước danh hiệu Công an nhân dân; bị khởi tố hình sự; bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; cá nhân cộng tác với lực lượng Công an nhân dân nhưng bị thanh loại do phản bội, do vi phạm quy định của đơn vị quản lý, sử dụng.
Đồng thời, chưa xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc đang có đơn thư khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc đang có vấn đề về tham nhũng, tiêu cực do báo chí đưa tin phải xác minh làm rõ hoặc các vấn đề khác gây dư luận xấu; sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nếu đảm bảo tiêu chuẩn thì đề xuất tặng Kỷ niệm chương. Trường hợp cá nhân bị kỷ luật, sau khi chấp hành xong thời gian kỷ luật thì thời gian tính thành tích xét tặng Kỷ niệm chương được tính từ thời điểm chấp hành xong thời gian thi hành kỷ luật.
Bên cạnh đó, việc xét, trao tặng và sử dụng Kỷ niệm chương đối với cá nhân cộng tác với lực lượng Công an nhân dân phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, theo yêu cầu công tác nghiệp vụ. Công an đơn vị, địa phương tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương nhưng bảo quản quyết định, bằng chứng nhận, Kỷ niệm chương trong hồ sơ lực lượng do đơn vị quản lý
Xét tặng Kỷ niệm chương trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Thông tư quy định cụ thể như sau:
- Cá nhân là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp (từ cấp xã trở lên); lãnh đạo các cơ sở giáo dục công lập có tư cách pháp nhân; lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thời gian giữ các chức vụ từ cấp phòng, ban trở lên từ 10 năm trở lên (tính đến thời điểm đề nghị) có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và ít nhất một lần được khen thưởng về thành tích bảo vệ an ninh Tổ quốc; cơ quan, đơn vị, địa phương do cá nhân phụ trách không để xảy ra tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, các vụ việc nghiêm trọng về an ninh, trật tự.
- Cá nhân là thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thuộc Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có thời gian công tác từ đủ 15 năm trở lên đối với nam, 10 năm trở lên đối với nữ tính đến thời điểm đề nghị (được cộng thời gian khi tham gia lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách trước đây và nhân hệ số 02 khi tính thời gian công tác đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng) trong quá trình công tác được nhận xét, đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hồ sơ đề nghị tặng Kỷ niệm chương gồm:
- Tờ trình của Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương (bản chính);
- Danh sách trích ngang của các cá nhân đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương có xác nhận của thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương và cơ quan, đơn vị nơi công tác (bản chính);
- Giấy khen, Bằng khen về thành tích trong bảo vệ an ninh Tổ quốc đối với đối tượng thuộc điểm a khoản 1 Điều này (bản sao).
Công an các đơn vị, địa phương lập hồ sơ đề nghị tặng Kỷ niệm chương (số lượng 02 bộ, kèm theo tập tin điện tử) gửi về Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trước ngày 30 tháng 5 hằng năm;
Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tổng hợp, đánh giá thành tích của các cá nhân đề nghị tặng Kỷ niệm chương do Công an các đơn vị, địa phương đề nghị, trình Bộ trưởng Bộ Công an (qua Cục Công tác chính trị) xét, quyết định.
Trao tặng Kỷ niệm chương vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Công an nhân dân, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/4/2025.
2. Thông tư số 13/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số.
Theo Thông tư, người nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số là tổ chức được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy.
Đối với các giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được cấp theo quy định của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và văn bản quy định chi tiết thi hành vẫn còn hiệu lực thì tổ chức được cấp giấy phép là người nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số theo quy định tại Thông tư này.
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử là tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này.
Mức thu phí
Mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số được quy định như sau:
Đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng: 3.000 đồng/tháng/01 chứng thư chữ ký số công cộng của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp.
Thời gian tính phí từ tháng chứng thư chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao có hiệu lực đến tháng trước liền kề tháng chứng thư chữ ký số công cộng hết hạn hoặc đến tháng chứng thư chữ ký số công cộng bị tạm dừng, thu hồi. Trường hợp chứng thư chữ ký số công cộng có hiệu lực và hết hạn sử dụng hoặc bị tạm dừng, thu hồi trong cùng tháng thì tính phí một tháng.
Đối với dịch vụ cấp dấu thời gian và dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu: 4.200.000 đồng/tháng/01 chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy.
Thời gian tính phí làm tròn từ tháng chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy đến tháng trước liền kề tháng chứng thư chữ ký số này hết hạn hoặc đến tháng chứng thư chữ ký số này bị tạm dừng, thu hồi.
Quản lý và sử dụng phí
Tổ chức thu phí được để lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP thì phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2025.
3. Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT ngày 7/3/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2025.
Thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, giáo viên là 42 tuần
Theo Thông tư, thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên trường phổ thông là 42 tuần, trong đó: Số tuần giảng dạy các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông là 37 tuần (bao gồm 35 tuần thực dạy và 02 tuần dự phòng); số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ là 03 tuần; số tuần chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học là 02 tuần.
Thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó: Số tuần giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học là 28 tuần; số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học là 12 tuần; số tuần chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học là 02 tuần.
Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách phải điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học thì số tuần giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo quy định điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền.
Định mức tiết dạy đối với giáo viên
Định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần: Đối với giáo viên trường tiểu học là 23 tiết, giáo viên trường trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trường trung học phổ thông là 17 tiết.
Đối với giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học là 21 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở là 17 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở là 17 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông là 15 tiết.
Ngoài việc dạy theo định mức tiết dạy quy định như trên, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú còn tham gia thực hiện nhiệm vụ khác của trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú gồm quản lý học sinh, phụ đạo, bồi dưỡng học sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù của trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú theo phân công của hiệu trưởng để bảo đảm hoạt động chung của nhà trường.
Đối với giáo viên trường, lớp dành cho người khuyết tật là 21 tiết đối với cấp tiểu học, 17 tiết đối với cấp trung học cơ sở, 15 tiết đối với cấp trung học phổ thông.
Đối với giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết.
Đối với giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh là 02 tiết đối với trường tiểu học có từ 28 lớp trở lên ở vùng 2 và vùng 3, 19 lớp trở lên ở vùng 1; 08 tiết đối với các trường tiểu học còn lại…
Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn
Giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường phổ thông được giảm 04 tiết/tuần.
Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường dự bị đại học được giảm 03 tiết/tuần.
Tổ trưởng tổ chuyên môn hoặc tổ trưởng tổ bộ môn được giảm 03 tiết/tuần; tổ phó tổ chuyên môn hoặc tổ phó tổ bộ môn được giảm 01 tiết/tuần.
Tổ trưởng tổ quản lý học sinh trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú được giảm 03 tiết/tuần; tổ phó tổ quản lý học sinh trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú được giảm 01 tiết/tuần.
Giáo viên kiêm trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 06 tiết/tuần; giáo viên kiêm phó trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 05 tiết/tuần.
Khi nhà trường không có viên chức thiết bị, thí nghiệm, giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn (trừ phòng tin học) được giảm 03 tiết/môn/tuần, phụ trách phòng thiết bị giáo dục được giảm 03 tiết/tuần.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2025.
4. Chính phủ ban hành Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Trong đó, Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về thu hồi kinh phí hỗ trợ.
Cụ thể, hằng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cho UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao dự toán thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí, trước ngày 30 tháng 12 hằng năm căn cứ vào Giấy xác nhận thời gian công tác trong ngành giáo dục của sinh viên sư phạm, UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú rà soát, theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.
Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn kinh phí phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan ra thông báo thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.
Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.
Trong thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí, sinh viên nộp tiền bồi hoàn cho cơ sở đào tạo giáo viên hoặc cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ (đối với sinh viên thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ) theo quy định.
Trường hợp sinh viên chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.
Sinh viên sư phạm bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn, Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí, nếu thuộc đối tượng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn; nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách miễn hoặc giảm học phí theo quy định của Chính phủ sẽ được miễn hoặc giảm mức bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí tương ứng. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của sinh viên sư phạm, UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú quyết định miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng chính sách.
Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được tiền bồi hoàn kinh phí của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên, cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện nộp trả kinh phí vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/0/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
Sinh viên sư phạm không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan có thẩm quyền theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định pháp luật.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/4/2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025-2026.
5. Nghị định số 23/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chữ ký điện tử như sau:
- Chứng thư chữ ký điện tử được phân loại như sau:
+ Chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tự cấp cho mình tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
+ Chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy, bao gồm: chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
+ Chứng thư chữ ký số công cộng là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao.
+ Chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là chứng thư chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cấp.
- Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký số
Theo Nghị định, thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là 25 năm.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy được quy định như sau: Chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu có hiệu lực tối đa là 05 năm; chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có hiệu lực tối đa là 10 năm.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số công cộng tối đa là 03 năm.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng trong trường hợp chữ ký điện tử chuyên dùng được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là 10 năm.
- Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn
Theo nghị định, chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn phải đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử.
Chữ ký điện tử chuyên dùng được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức tạo lập được xem là đáp ứng đủ các yêu cầu tại khoản 2 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử.
Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bao gồm: Hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức tạo lập; hoạt động chuyên ngành hoặc lĩnh vực, có cùng tính chất hoạt động hoặc mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy định về cơ cấu tổ chức, hình thức liên kết, hoạt động chung; hoạt động đại diện cho chính cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn để giao dịch với tổ chức, cá nhân khác.
Chữ ký số
Theo nghị định, chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng, được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng và đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử.
Nghị định nêu rõ, tất cả các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp đều có quyền được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số. Chứng thư chữ ký số cấp cho người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh và tên cơ quan, tổ chức của người đó.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2025.
6. Luật số 64/2025/QH15 ngày 19/2/2025 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
+ Hiến pháp.
+ Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
+ Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
+ Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
+ Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
+ Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.
+ Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
+ Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
+ Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tại Điều 22 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cấp huyện
+ Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật này và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của Quốc hội.
+ Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
7. Nghị định 44/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước.
Đối tượng áp dụng
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu.
+ Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (sau đây gọi chung là Ban điều hành).
+ Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, không bao gồm thành viên độc lập Hội đồng quản trị (sau đây gọi chung là Thành viên hội đồng).
+ Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát (sau đây gọi chung là Kiểm soát viên).
+ Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định này
Khoản 3 Điều luật này quy định về việc bãi bỏ các Nghị định dưới đây khi Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực:
a) Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
c) Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước;
d) Nghị định số 21/2024/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
đ) Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
e) Nghị định số 87/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
g) Nghị định số 64/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
h) Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020;
i) Nghị định số 74/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020;
k) Nghị định số 82/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2016 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội;
l) Nghị định số 79/2024/NĐ-CP ngày 02 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2016 đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 74/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2020 và Nghị định số 82/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2025. Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
II. VĂN BẢN TỈNH HÀ TĨNH
1. Quyết định số 08/2025/QĐ-UBND 01/3/2025 Bãi bỏ một phần Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnhQuyết định số 17/2025/QĐ-UBND 04/3/2025 Quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất và các trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với hành vi hủy hoại đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
2. Quyết định số 09/2025/QĐ-UBND 01/3/2025 Quyết định số Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Môi trường;
3. Quyết định số 10/2025/QĐ-UBND 01/3/2025 Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
4. Quyết định số 12/2025/QĐ-UBND 01/3/2025 Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y Tế;
5. Quyết định số 13/2025/QĐ-UBND 01/3/2025 Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo;
6. Quyết định số 14/2025/QĐ-UBND 01/3/2025 Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng;
7. Quyết định số 15/2025/QĐ-UBND 01/3/2025 Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ;
8. Quyết định số 18/2025/QĐ-UBND 13/3/2025 Ban hành Quy định Định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
9. Quyết định số 19/2025/QĐ-UBND ngày 13/3/2025 Ban hành Quy định Định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
10. Quyết định số 20/2025/QĐ-UBND 13/3/2025 Ban hành Quy định Định mức kinh tế - kỹ thuật định giá đất trên địa bàn tỉnh Hà TĩnhQuyết định số 22/2025/QĐ-UBND ngày 14/3/2025 Ban hành Quy định quản lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
11. Quyết định số 23/2025/QĐ-UBND ngày 20/3/2025 Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương ban hành kèm theo Quyết định số 03/2024/QĐ-UBND ngày 24/01/2024 của UBND tỉnh;
12. Quyết định số 24/2025/QĐ-UBND ngày 25/3/2025 Quy định các khu vực chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để cá nhân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
Trên đây là một số văn bản pháp luật mới, Hội đồng PBGDPL huyện gửi các Đồng chí cán bộ, đảng viên tiếp cận để phục vụ cho quá trình công tác chuyên môn và tuyên truyền các chính sách pháp luật mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách.